Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Thi THPT quốc gia môn Địa Lý: Tuyệt đối không học tủ

Trước hết, các thí sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn địa lý dự kiến có 4 câu hỏi lớn, trong đó có thể có 2 câu hỏi nhỏ.


Môn Địa Lý: Tuyệt đối không học tủ
Một tiết học nhóm ôn thi môn địa của học sinh lớp 12A13 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia
Cụ thể:  câu I có hai câu, trong đó câu I.1 hỏi về tự nhiên (15 bài đầu), câu I.2 hỏi về địa lý dân cư (3 bài: bài 16, 17 và 18).
Câu II cũng gồm hai câu. Câu II.1 hỏi về địa lý kinh tế: các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại du lịch và bài Chuyển dịch cơ cấu kinh tế). Câu II.2 hỏi về địa lý các vùng kinh tế (7 vùng kinh tế) và bài 3 vùng kinh tế trọng điểm, bài 42 “Biển Đông và các đảo, quần đảo”.
Câu III là hỏi về Atlat. Câu IV sẽ yêu cầu vẽ biểu đồ. Đề thi sẽ có thể yêu cầu tính trước khi vẽ. Vì thế các em cần nắm vững các công thức tính trong địa lý (tính năng suất, mật độ, sản lượng, bình quân lúa trên đầu người, cán cân xuất nhập khẩu...), ghi đúng đơn vị và tuyệt đối không học tủ.

Về cách làm bài  bài thi THPT quốc gia môn Địa Lý

Bước 1: Nên đọc kỹ đề ít nhất là 3 lần và nên gạch chân ý chính. Nhiều bạn không đọc kỹ đề nên dễ bị lạc đề hoặc thiếu ý.
Bước 2: Lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ không sót ý. Nhớ làm bài theo đúng trình tự cũng như nên xuống dòng sau mỗi ý. Tránh việc viết một hơi không xuống hàng, thậm chí không có dấu chấm dấu phẩy trong câu làm thầy cô giám khảo khó đọc. Việc xuống dòng sau mỗi ý giúp thí sinh nhìn ra chỗ nào còn thiếu, và giúp giám khảo chấm bài dễ dàng hơn.
Bước 3: Câu dễ, câu ngắn làm trước. Nhiều bạn thích làm câu nhiều điểm trước hay câu khó trước, để rồi khi bị bí, ngồi cắn bút suy nghĩ làm mất thời giờ và cũng làm mất khí thế làm bài, và bài sẽ ít điểm.
Bước 4: Trình bày bài làm rõ ràng, ghi lại câu hỏi cụ thể (VD: câu I.2 tính mật độ...) để giám khảo biết thí sinh làm câu nào, ý tứ ra sao nhằm tránh trường hợp làm lạc đề hay làm thừa thiếu ý. Không viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị ...
Nên xuống dòng sau mỗi ý. Ý chính, ý quan trọng thì làm trước, ý phụ hay ít quan trọng làm sau. Đọc lại bài trước khi nộp, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo một nét, tránh tô, xóa.
Nếu thấy thiếu ý thì đừng viết chen vào, vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau san sát làm bài khó đọc, mà giám khảo không đọc được thì coi như không có điểm. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ "tiếp theo" (VD: tiếp theo câu 3). Khi chấm đến phần cuối, giám khảo sẽ cho điểm bổ sung vào câu đó.

Về vẽ biểu đồ khi làm bài thi THPT quốc gia môn Địa Lý

Cần xác định đúng biểu đồ đề yêu cầu. Vì vẽ không đúng loại biểu đồ thì dù vẽ đẹp vẫn không có điểm. Nếu đề yêu cầu rõ ràng: em hãy vẽ biểu đồ tròn... thì làm đúng như đề yêu cầu. Lưu ý về biểu đồ: biểu đồ có ba yêu cầu - đúng, đủ và đẹp. Không đúng không có điểm, đúng nhưng thiếu (không đủ) thì mất điểm. Đúng, đủ nhưng không đẹp thì vẫn không thể có điểm tối đa. Nhiều em hay thiếu tên biểu đồ, thiếu đơn vị, thiếu số, thiếu ghi chú, thiếu năm...
Ký hiệu không đẹp, rối rắm, kẻ tay... cũng không được điểm cao.
Về biểu đồ, nếu vẽ lại lần thứ 3 mới hoàn chỉnh thì nên bỏ tờ vẽ sai đi bằng cách báo giám thị và xin viết lại bài mới. Tuy có mất thời giờ nhưng bài làm sạch dễ được trọn điểm hơn (tất nhiên là phải xem có đủ thời gian viết lại không, nếu không thì phải chịu để vậy, câu vẽ ít là 25 phút).
Lưu ý về nhận xét biểu đồ: khi nhận xét biểu đồ tròn, biểu đồ miền hoặc số liệu là số (%) ta phải ghi thêm chữ “tỉ trọng” cho mỗi yếu tố (như ví dụ trên) mới đúng, thiếu "tỉ trọng" là không có điểm. Tránh ghi nhận xét, kiểu: A tăng giảm không đều. Hai từ tăng và giảm có giá trị ngược nhau, không thể đi chung. Trong trường hợp này chỉ có thể nói A tăng hay A giảm. Nếu A có giá trị năm cuối lớn hơn giá trị năm đầu thì phải viết: A tăng không liên tục. Nếu A có giá trị năm cuối nhỏ hơn giá trị năm đầu thì ta viết: A giảm không liên tục.
Không quá dựa vào Atlat Các em nên rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng số liệu trong sách giáo khoa. Vẽ thử trên giấy thi càng tốt (nhớ ghi rõ số trang và tên biểu đồ). Vẽ nhiều lần sẽ vẽ nhanh và chia đúng tỉ lệ.
Ôn bài theo chương, chủ đề, nên học với Atlat. Khá nhiều bài có kiến thức trong Atlat như bài 6, 7 “Đất nước nhiều đồi núi”, phần phân bố dân cư của bài 17, bài 26-27 phần Công nghiệp, bài 31 “Thương mại, du lịch”, chương các vùng kinh tế từ bài 32 đến 42 có thể phối hợp với Atlat...
Tuy nhiên không quá chủ quan dựa vào Atlat, vì có những điều trong sách giáo khoa mà không có trong Atlat như vai trò, ý nghĩa, đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, hướng phát triển, giải pháp... Các vấn đề này phải học thuộc mà thôi. Về bài học cần nắm vững các kiến thức căn bản. Lập sơ đồ tổng quát dạng hình cây thư mục để nắm ý chính.
Lập bảng ghi nhớ, so sánh như: bảng ghi tên nhà máy thủy điện, tên sông và công suất nhà máy xếp theo thứ tự; bảng so sánh đối chiếu việc khai thác thủy điện giữa vùng núi trung du Bắc bộ với Tây nguyên; so sánh cây công nghiệp giữa Tây nguyên và Đông Nam bộ; việc khai thác rừng giữa Tây nguyên và Bắc Trung bộ, khai thác thủy sản của Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ ...
Với các số liệu dẫn chứng chỉ cần nhớ những năm cuối, riêng các yếu tố đứng nhất các bạn cần phải nhớ. Ví dụ: Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà có công suất lớn nhất nước hiện nay là 1.920 MW. Nhà máy Sơn La đang xây sẽ lớn nhất khi xây xong là 2.400 MW. Nhiều số liệu như dân số, sản lượng điện, than, dầu, lúa... có trong Atlat, nhưng nên lấy số liệu năm 2005 cho phù hợp với sách giáo khoa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét