Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Đề thi THPT quốc gia yêu cầu thí sinh làm bài theo ý

Nhiều TS đang khá lo lắng về nôi dung đề thi THPT quốc gia. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đề thi có thang điểm 20, yêu cầu TS làm bài theo ý.
Thí sinh, nhà trường đang khá lo lắng về đề thi THPT Quốc gia 2015 bởi đề thi sẽ phải cực kỳ chi tiết (theo thang điểm 20), nhưng phải có tính phân loại thí sinh, nhất là đảm bảo theo hướng “mở”.

Đề thi “6 trong 1”

Để kỳ thi THPT Quốc gia 2015 diễn ra thành công, đáp ứng được các chủ trương, theo Bộ GD&ĐT, yếu tố quan trọng ngoài khâu tổ chức thi đó là đề thi. Theo Quy định của Bộ, đề thi của kỳ thi này phải đạt các yêu cầu như: Nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; Đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp và để tuyển sinh Đại học - Cao đẳng. Đề thi cũng đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đối với đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi.
 
De thi THPT quoc gia yeu cau thi sinh lam bai theo y

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT Quốc gia 2015 sẽ có sự phân loại thí sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh minh họa.

Đánh giá về tầm quan trọng của đề thi, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, để giúp thí sinh hoàn thành tốt nghiệp, các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín của trường thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Do đó, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, việc sử dụng thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh.
Chia sẻ về công tác tổ chức ra đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Các cán bộ soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên THPT, đây đều là những người có kinh nghiệm trong công tác ra đề nhiều năm qua. Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm Trưởng môn đề thi và các cán bộ soạn thảo đề thi. Đề thi năm 2015 cũng tiếp tục được ra theo hướng “mở”, nhằm khơi dậy tính sáng tạo của thí sinh”.
Như vậy, có thể không khó để hình dung đề thi của các môn thi trắc nghiệm sẽ sắp xếp theo số lượng các câu hỏi được quy đổi ra thang điểm 10 (có thể từ 40-60 câu hỏi). Đề trắc nghiệm cơ bản như mọi năm, có nhiều câu hỏi vừa sức, nhưng Bộ sẽ “cài” thêm các câu hỏi khó để phân loại thí sinh. Cấu trúc đề thi trắc nghiệm gồm các câu hỏi lí thuyết và bài tập, trong đó câu hỏi bài tập buộc thí sinh phải tính toán nhanh để lựa chọn đáp áp.

Tuyển sinh 2015: Đòi hỏi thí sinh làm bài theo ý

Đánh giá về đề thi ra theo thang điểm 20, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đề thi theo thang điểm 20 sẽ chi tiết hóa đáp án. Ông Minh chia sẻ thêm: “Với thang điểm này, người ra đề và người làm đáp án sẽ vất vả hơn trước, nhưng bù lại khi chấm theo barem cũng chính xác hơn. Thay đổi này khiến cho bước chấm thi tăng lên gấp đôi so với trước kia”.
Lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ cho biết, thang điểm mở rộng ra 20 sẽ càng chi tiết hóa nội dung. Thí sinh dễ được điểm từng chi tiết nhỏ sẽ càng có lợi hơn khung điểm 10. Bởi nếu như trước đây, với khung điểm 0,25 và thang điểm 10 chỉ cần 40 ý là kịch trần thì nay cần tới 80 ý mới đạt thang điểm 20. Thí sinh mất điểm ở ý này vẫn có thể dễ dàng đạt điểm ở ý khác trong cùng một câu. Do đó, đối với các môn tự luận, thí sinh cần học, ôn tập theo nhiều ý, triển khai trong bài thi ngắn gọn, trúng ý của đề ra.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành cấu trúc đề thi khiến giáo viên, học sinh khá lo lắng, chưa có dịp tập dượt với dạng đề thi mới. Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Bộ đã có chủ trương về ra đề, thang điểm mới thì nên có một số đề thi mang tính định hướng để các trường vận dụng. Giáo viên sẽ bám sát định hướng này để dạy, học trò cũng có hướng để ôn luyện. Sớm ban hành đề mẫu còn giúp cho thầy, trò các nhà trường tự đánh giá xem đã đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào, từ đó có sự điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức và dạy học kịp thời nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi”.
Cũng theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, đề thi THPT Quốc gia năm 2015 cũng sẽ tiếp tục ra theo hướng “mở”, theo đó các môn tự luận như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý ngoài việc ôn tập nắm chắc kiến thức, triển khai dàn ý chi tiết để “ghi” điểm, các thí sinh cũng phải tích cực cập nhật tình hình thời sự, luyện tập theo các dạng đề thi “mở”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên THPT cũng lo rằng, liệu đề “mở” sẽ có đáp án “mở”, thang điểm sẽ ra sao khi chấm thi chi tiết theo thang điểm 20.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét