Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Điểm tin tuyển sinh - giáo dục ngày 8/5

Quảng Trị: 3.000 trong hơn 10.000 thí sinh thi tại cụm cơ sở; Sóc Trăng công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 10; Quá tải thí sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội thi 4 ngày… là nhưng tin tuyển sinh nổi bật trong ngày hôm nay.

Quảng Trị: 3.000 trong hơn 10.000 thí sinh thi tại cụm cơ sở

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết trong hơn 10.000 thí sinh ở Quảng Trị dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015, có khoảng 7.000 thí sinh thi tại cụm thi Quốc gia tại Huế để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.
Như vậy sẽ có khoảng 3.000 thí sinh tham gia thi tuyển tại 8 cụm cơ sở trên địa bàn tỉnh với các môn thi bắt buộc và tự chọn – những thí sinh này không có nhu cầu thi tuyển thêm các môn để xét điểm đại học, cao đẳng. 3000 thí sinh này sẽ được đánh số báo danh chung và thi tuyển tại một địa điểm duy nhất, phân theo từng địa bàn là trung tâm huyện thị nơi thí sinh cư trú.
Điểm tin tuyển sinh - giáo dục ngày 8/5Ảnh minh họa
Kỳ thi tại địa bàn tỉnh được đặt dưới sự quản lý của một hội đồng thi duy nhất do Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị phối hợp với Đại học Quảng Nam chủ trì.
Số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cung cấp vào ngày 8-5, cho thấy: Trong khoảng 3.000 thí sinh tại 38 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT qua các môn tự chọn thì chỉ có 195 thí sinh đăng ký dự thi môn vật lý (6,5%); lịch sử – 230 thí sinh (7,7%); hóa học 377 thí sinh (12,5%)…
Theo ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, việc tổ chức thi theo quy định hiện hành đã giảm bớt gánh nặng về nhiều mặt cho bản thân thí sinh và gia đình.

Đà Nẵng: 14.408 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

Theo tin từ Phòng Khảo thí kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Đà Nẵng có 14.408 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong đó có 9.772 TS đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, 1.209 TS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp và 3.427 TS đăng ký dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ (TS tự do). Các môn thi có số lượng TS đăng ký dự thi cao nhất gồm: Toán: 13.778 TS, Văn: 12.305 TS, Ngoại ngữ: 11.152 TS; Lý: 8.048 TS, Hóa: 7.071 TS, Địa: 4.013 TS, Sinh: 3.840 TS. Môn Sử có số lượng đăng ký thấp nhất với 1.461 TS.
Ông Phan Minh Anh Tuấn- Trưởng Phòng Khảo thí kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến hết ngày 30-4 kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên do thời gian nghỉ lễ quá dài nên để tạo điều kiện cho các TS (chủ yếu là TS tự do) đến nộp hồ sơ, Sở đã xin phép Bộ GD-ĐT cho thêm 2 ngày sau lễ. Theo đó, trong hai ngày sau lễ, đã có hơn 200 trường hợp TS tự do đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Sóc Trăng công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 10

Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết: Năm học 2015 – 2016, các trường THPT trong toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh theo hình thức thi tuyển kết hợp xét tuyển hoặc xét tuyển.
Với phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, thời gian thi sẽ vào 25/6 và 26/6/2015. Học sinh thi 3 môn Ngữ văn (hệ số 2), Toán (hệ số 2) và tiếng Anh (hệ số 1). Các môn đều thi theo hình thức tự luận. Riêng Tiếng Anh kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Nội dung thi nằm trong chương trình THCS hiện hành, chủ yếu là lớp 9.
Việc xét trúng tuyển sẽ dựa trên các yếu tố: Thí sinh trúng tuyển phải không có bài thi nào bị điểm 0; dựa vào điểm xét tuyển để xét trúng tuyển cho thí sinh theo nguyên tắc điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Nếu nhiều học sinh có điểm bằng nhau thì lấy tổng điểm ba bài thi (sau khi tính hệ số) để xét từ cao đến thấp. Nếu vẫn có trường hợp bằng điểm, sẽ lấy tổng điểm học tập và rèn luyện của 4 năm học THCS để xét từ cao xuống thấp.
Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào trường chuyên nếu không trúng tuyển vẫn được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường THPT khác trong tỉnh với điều kiện thí sinh có nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường THPT đó.
Với phương thức tuyển sinh 2015 theo xét tuyển, sẽ dựa trên điểm học tập và rèn luyện các lớp cấp THCS; điểm ưu tiên, điểm khuyến khích. Căn cứ vào điểm xét tuyển, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu nhiều người học có điểm bằng nhau thì lất tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của tất cả các môn có tính điểm trung bình để xếp từ cao xuống thấp.
Nếu vẫn có trường hợp bằng điểm nhau thì phân biệt bằng tổng điểm trung bình cả năm của Toán và Ngữ văn của năm lớp 9

Quá tải thí sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội thi 4 ngày

Với số lượng 45.163 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, ĐH Quốc gia Hà Nội hôm qua (7-5) công bố sẽ tăng số ngày thi lên gấp đôi.
Theo dự kiến ban đầu, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi vào các ngày 30 và 31-5. Nhưng nay con số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức quá lớn (hơn 45.160 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, trong đó có 14.460 em đăng ký dự thi cả bài thi đánh giá năng lực và bài thi môn Ngoại ngữ) nên trường sẽ tổ chức thi thành 4 ngày, từ 30-5 đến 2-6 (dự phòng ngày 3-6). Tuỳ theo số lượng thí sinh ở mỗi cụm thi mà tổ chức từ 2 đến 8 ca thi mỗi ngày.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội thành lập 9 cụm thi: 3 cụm ở Hà Nội với 11 điểm thi; Thái Nguyên và Đà Nẵng lần lượt 1 điểm thi; Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An mỗi nơi 2 điểm thi.
Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thông báo giấy báo dự thi Đánh giá năng lực bậc Đại học đợt 1 năm 2015 đã được gửi cho thí sinh qua đường bưu điện từ ngày 24-4. Thí sinh có thể truy cập website của Trung tâm Khảo thí để xem các thông tin dự thi của mình (http://cet.vnu.edu.vn). Dự kiến thời gian thí sinh nhận được giấy báo thi từ 5-5 đến hết ngày 10-5. Sau thời gian trên những thí sinh chưa nhận được hoặc có thắc mắc về giấy báo dự thi thì liên hệ với Trung tâm theo 2 số điện thoại 04.66759258 / 04. 62532741.
Trước đó, bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu đã được trường ĐH Quốc gia Hà Nội công bố tại địa chỉ http://www.vnu.edu.vn. Thí sinh có thể làm quen, thi thử miễn phí. Cụ thể, bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc (phần thi tư duy định lượng và tư duy định tính) và một phần thi tự chọn. Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi. Nếu thí sinh hoàn thành sớm thì thời gian còn lại của phần thi trước không được cộng dồn sang phần thi sau.
Trong đó, phần tư duy định lượng có 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong 80 phút. Đề thi có dạng trắc nghiệm hoặc dạng trả lời ngắn (điền đáp án vào ô trống). Phần thứ 2 là tư duy định tính gồm 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong 60 phút. Đề thi phần này có dạng trắc nghiệm. Phần 3 là phần tự chọn, gồm 40 câu làm bài trong 55 phút. Phần này thí sinh sẽ được lựa chọn một trong 2 phần là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Ngay sau khi kết thúc bài làm, thí sinh có thể biết ngay kết quả. Máy tính sẽ in kết quả và thí sinh sẽ ký xác nhận vào đó trước khi rời phòng thi. Trên cơ sở đó, trường sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống thấp. Kết quả kỳ thi chung tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện. Tất cả thí sinh đã đạt ngưỡng chất lượng theo điểm của bài thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại các chương trình đào tạo của trường sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Riêng đối với ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh phải làm thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do trường quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo.
Sau đợt 1, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn còn có đợt thi thứ 2 vào tháng 8. Những thí sinh muốn dự thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn còn cơ hội dự tuyển. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi đợt 2 của trường từ ngày 20-6 đến 10-7.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét