Tin tức tuyển sinh 2015 nổi bật ngày 14/7: Cảnh báo tình trạng website giả mạo tra cứu điểm thi THPT 2015; Các trường ĐH chuẩn bị hoàn tất chấm thi THPT quốc gia 2015... là những tin tức quan trọng ngày 14/7.
Cảnh báo tình trạng website giả mạo tra cứu điểm thi THPT 2015
Công tác chấm thi chưa hoàn tất, song trên nhiều website đăng tin “Đã có điểm tốt nghiệp THPT 2015” nhằm mời chào phụ huynh, thí sinh nhắn tin, tra cứu để thu tiền.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến ngày 20/7, các cụm sẽ hoàn tất công tác chấm thi THPT Quốc gia 2015 và ngày 1/8 sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, hiện nay trên nhiều website đã mời chào phụ huynh, thí sinh tra cứu điểm thi để thu tiền bởi dòng chữ: “Đã có điểm thi tốt nghiệp THPT 2015”.Theo đó, một số trang mạng dịch vụ tra cứu điểm thi đã lợi dụng tâm lý nóng lòng biết kết quả của nhiều phụ huynh, học sinh nên quảng cáo không đúng sự thật. Và sau khi nhắn tin vào đầu số 87xx để tra cứu theo hướng dẫn sẽ bị từ ngay 15.000 đồng, trong khi tin nhắn trả về là “sẽ gửi tin ngay sau khi có dữ liệu”.
Để tránh mất tiền, phụ huynh và thí sinh nên theo dõi và tra cứu điểm thi trên các website chính thức của các trường đại học chủ trì cụm thi và của Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn).
Các trường ĐH chuẩn bị hoàn tất chấm thi THPT quốc gia 2015
Đến chiều 13.7, cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã hoàn thành chấm thi vòng 2 tất cả các môn. Cụm này đang kiểm dò và thống nhất điểm, dự kiến ngày 16.7 hoàn tất toàn bộ việc chấm thi.Cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng chấm xong các môn (trừ môn văn). Ở cụm này, dự kiến chậm nhất ngày 16.7 sẽ hoàn tất việc chấm và nhập điểm.
Tương tự, cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng sẽ hoàn tất chấm thi tất cả các môn vào hôm nay 14.7, hoàn thành dữ liệu điểm để gửi Bộ GD-ĐT vào ngày 15.7.
Còn cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến ngày 16.7 chấm xong các môn. Tại cụm thi này, đến đầu giờ chiều 13.7 đã có 11 bài thi môn toán đạt điểm 10. Bài thi đạt điểm cao nhất môn văn và địa 9 điểm; môn sử 9,25.
Sẽ hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp trước ngày 20-7
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, thời điểm này, công tác chấm thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại các cụm thi đang được khẩn trương triển khai để kịp hoàn thành đúng quy định. Thời hạn báo cáo điểm thi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến trước ngày 20-7.Trước đó, trao đổi với báo chí về việc dư luận lo ngại công tác chấm thi sẽ không hoàn thành đúng kế hoạch, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, mặc dù số lượng công việc lớn, nhưng công tác chấm thi Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ hoàn thành đúng quy định. Công tác chấm thi không phải kết thúc kỳ thi mới tính toán, mà ngay khi có quyết định đặt cụm thi, Bộ GD-ĐT đã tính đến việc chấm thi và các trường đã chủ động thực hiện việc này. Đặc biệt, ngay sau ngày thi đầu tiên (1-7), một số trường đã triển khai các bước chấm thi.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT phải cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi báo cáo xét công nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GD-ĐT, công bố kết quả tốt nghiệp THPT trước ngày 25-7.
Học viện Âm nhạc Huế: Hơn trăm nhân viên có nguy cơ bị sa thải
Mất cân đối thu - chi, tuyển dụng ồ ạt khi lượng sinh viên sụt giảm mạnh, không có đủ tiền trả lương, Học viện Âm nhạc Huế đang tính phương án cắt giảm nhân sự, khiến hơn 100 nhân viên hợp đồng nhiều ngày nay như ngồi trên lửa, do lo sợ bị mất việc.Theo nguồn tin PV Tiền Phong thu thập được, năm 2011, với 1.200 học viên, Học viện Âm nhạc Huế thu hơn 4,6 tỷ đồng học phí. Tự cân đối thu - chi, đơn vị còn dư hơn 1,8 tỷ đồng. Năm tiếp theo cân đối thu - chi từ học phí và lương, học viện còn dư hơn 925 triệu đồng. Qua năm 2013, lượng học viên, sinh viên giảm còn 785 người, nguồn thu từ học phí đạt trên 3,8 tỷ đồng, nhưng chi lương hợp đồng “đội” lên hơn 5,4 tỷ đồng.
Đến năm 2014, học viên tiếp tục giảm xuống còn 475 học viên, học viện vẫn phải chi lương hợp đồng hơn 5,4 tỷ đồng, khiến ngân quỹ tiếp tục thâm hụt lớn. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Học viện Âm nhạc Huế có 382 học viên, thu được hơn 302 triệu đồng học phí, nhưng chi lương hợp đồng hơn 3,1 tỷ đồng, âm hơn 2,8 tỷ đồng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, nếu có thu đủ hơn 1,3 tỷ đồng học phí, đơn vị vẫn tiếp tục thâm hụt thêm hơn 1,6 tỷ đồng…
Được biết, đây là một trong những lý do mà lãnh đạo Học viện Âm nhạc Huế đưa ra trong cuộc đối thoại gần đây với người lao động nhằm cân nhắc, tính toán phương án sa thải nhân viên hàng loạt trong thời gian tới. Trong cuộc đối thoại này, dù chưa đưa ra quyết định chính thức về cắt giảm nhân sự ồ ạt, nhưng khả năng này đã được tính tới, khiến cả trăm lao động hợp đồng của Học viện trở nên hoang mang.
Điều đáng nói, trong giai đoạn “ăn nên làm ra” thuộc các năm 2010, 2011, dù lượng học viên dồi dào, toàn Học viện chỉ có 87 hợp đồng lao động được ký (hiện 20 người vào biên chế). Thế nhưng vài năm lại đây, khi lượng học viên liên tục sụt giảm, bộ máy nhân sự tại Học viện Âm nhạc Huế lại không ngừng phình to. Đơn vị tiếp tục tuyển dụng và ký hợp đồng lao động thêm 98 người, nâng tổng số nhân viên hợp đồng lên trên 140 người. Mới đây, với lý do không có nguồn để trả lương, 141 nhân viên hợp đồng tại đây có thể bị Học viện cho nghỉ việc.
Dư luận băn khoăn, những lý do mà lãnh đạo đơn vị này đưa ra liệu có thuyết phục được cả trăm người lao động, khi học viện liên tục nhận người trong giai đoạn khó khăn, để rồi không có tiền trả lương, dẫn đến nguy cơ sa thải hoặc cho nghỉ việc không lương hàng loạt. Với mong muốn phần nào giải tỏa những thắc mắc từ người lao động và dư luận, phóng viên nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, để thu thập thêm thông tin, nhưng ông này không nghe máy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét