Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Đậu thành rớt vì bất nhất khu vực ưu tiên

Đó là trường hợp thí sinh Nguyễn Quang Cường, tốt nghiệp THPT năm 2013 và năm nay dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Vinh.
Đậu thành rớt vì bất nhất khu vực ưu tiên

Một thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng khi nhập học thì được thông báo rốt do phần mềm của bộ xác định sai điểm ưu tiên 

Thí sinh này dự thi được 23,25 điểm và được cộng 1 điểm ưu tiên khu vực (KV2-NT) là 24,25. Ngành y đa khoa lấy điểm chuẩn 24,5, Cường thiếu 0,25 điểm. Cường có hộ khẩu tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cường học tại Trường THPT Diễn Châu 2 và trường này thuộc KV2-NT.
Khu vực 1 hay 2?
Diễn Lâm là xã duy nhất của huyện Diễn Châu thuộc khu vực vùng dân tộc miền núi theo quyết định 447 của Ủy ban dân tộc ban hành ngày 19-9-2013 tuy nhiên khu vực Cường được tính là KV2-NT (theo trường THPT) được cộng 1 điểm chứ không phải KV1 (theo hộ khẩu) được cộng 1,5 điểm như quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015.
Cường thắc mắc tại sao những thí sinh cũng ở tại xã Diễn Lâm, học tại Trường THPT Diễn Châu 2 nhưng tốt nghiệp năm 2014 trở về sau được tính KV1 trong khi Cường tốt nghiệp năm 2013 lại chỉ được tính KV2-NT? Cường đã đem thắc mắc này hỏi cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Y khoa Vinh.
Trường này đã gửi email cho Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đề nghị điều chỉnh khu vực ưu tiên của Cường từ KV2-NT thành KV1.
Tuy nhiên Cục khảo thí có email trả lời rằng, qui định hưởng ưu tiên theo hộ khẩu đối với diện xã vùng dân tộc được áp dụng theo quy chế tuyển sinh năm 2014 nên những thí sinh tốt nghiệp từ năm 2014 về sau mới thuộc diện áp dụng là KV1.
Thí sinh này tốt nghiệp năm 2013, trường Diễn Châu 2 là trường đóng trên địa bàn KV2-NT theo qui định những năm đó nên thí sinh này thuộc KV2-NT, không điều chỉnh khu vực ưu tiên cho thí sinh Nguyễn Quang Cường từ KV2-NT thành KV1 được.

Tuyển sinh 2015: Cách tính điểm cộng ưu tiên bất nhất

Trước đây, theo qui định của bộ, mỗi khu vực ưu tiên cách nhau 1 điểm, thí sinh thuộc KV1 được ưu tiên đến 3 điểm chứ không phải 1,5 điểm như bây giờ. Nếu những người tốt nghiệp THPT vào thời điểm đó, năm nay thi lại ĐH, bộ cũng áp dụng cộng 3 điểm ưu tiên khu vực? Dĩ nhiên là không và phải theo qui chế năm 2015.
Hay như qui định: các đối tượng ưu tiên quy định theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cũng mới được bổ sung hai năm gần đây. Như vậy nếu những người thuộc đối tượng này tốt nghiệp từ năm 2013, năm 2015 thi lại ĐH họ sẽ không được cộng 2 điểm ưu tiên đối tượng? Chắc là không.
Riêng trường hợp thí sinh Nguyễn Quang Cường, giải thích của Cục Khảo thí như vậy là chưa thỏa đáng. Không thể lấy năm tốt nghiệp của thí sinh và căn cứ vào quy chế cũ để xác định khu vực ưu tiên cho thí sinh. Điều này hết sức vô lý.
Theo qui chế tuyển sinh 2015, chính sách ưu tiên theo khu vực được tính theo nơi học THPT và theo hộ khẩu. Với qui định tính theo nơi học THPT, quy chế ghi rõ: áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Trong khi đó với các trường hợp được xác định khu vực ưu tiên theo hộ khẩu, trong đó có xã vùng dân tộc miền núi Diễn Lâm của thí sinh Cường, không ghi rõ chỉ áp dụng cho năm 2015 hay áp dụng với những thí sinh có hộ khẩu tại các xã này và đã tốt nghiệp THPT các năm trước đó. Như thế, quy chế của bộ cũng chưa qui định rõ về việc này.
Thiết nghĩ, căn cứ xác định là năm thí sinh đó xét ĐH bởi việc thi tốt nghiệp THPT năm 2013 không còn liên quan gì đến việx xét ĐH năm nay vì thí sinh phải dự thi lại các môn xét tuyển ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 như bao thí sinh khác.
Thí sinh Cường có cùng hộ khẩu, học cùng trường THPT như những thí sinh tốt nghiệp năm 2014, 2015, thi cùng một đề thi THPT quốc gia như nhau, chỉ có điểm khác là Cường tốt nghiệp năm 2013. Thế nhưng những thí sinh khác được cộng 1,5 điểm, Cường chỉ được cộng 1 điểm. Dĩ nhiên quy chế là áp dụng cho số đông chứ không phải cho từng cá nhân nhưng khi có phát sinh, bộ cũng nên xem xét thấu đáo.
Chính sách ưu tiên theo hộ khẩu nhằm tạo điều kiện cho thí sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các xã nghèo có điều kiện học tập, nân gcao dân trí, phục vụ nhu cầu nhân lực địa phương. Như thế tại sao phải phân biệt năm tốt nghiệp khi các thí sinh có điều kiện học tập như nhau, cùng thuộc xã vùng dân tộc miền núi như nhau, cùng là một đề thi như nhau?
Mỗi năm bộ đều ban hành quy chế tuyển sinh ĐH và thiết nghĩ đây là văn bản pháp lý cao nhất và áp dụng cho tất cả thí sinh xét tuyển ĐH năm đó chứ không phải căn cứ vào cái quy chế cũ đã hết hạn áp dụng, càng không thể căn cứ vào theo năm tốt nghiệp của thí sinh như trường hợp của thí sinh Nguyễn Quang Cường.
Chỉ 0,25 điểm nhưng bên này là đỉnh cao của niềm hạnh phúc, hân hoan vỡ òa và ở phía bên kia là sự thất vọng, tức tưởi nghẹn ngào.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét