Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ "gọn nhẹ hơn"

"Bộ Giáo dục sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để kỳ thi năm sau gọn nhẹ hơn, đảm bảo chất lượng", Vụ trưởng Giáo dục đại học nói.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong phiên họp hôm qua, Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới kỳ thi theo tinh thần nghị quyết Trung ương. "Tuy nhiên chủ trương và quá trình thực hiện có những việc chưa lường hết được", ông Nên đánh giá.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ "gọn nhẹ hơn"

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ gọn nhẹ hơn.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mục đích của kỳ thi là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh song vừa qua giáo dục lại mở rộng nguyện vọng, thời gian xét tuyển, gây phiền hà. Khi nghe thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nhanh chóng khắc phục cho đợt 2, rút kinh nghiệm để năm sau thực hiện tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học thừa nhận, kỳ thi THPT quốc gia đã bất cập khi để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày.
Bà Phụng cho hay, đầu đợt 1, khi thấy thí sinh phải lên trường đăng ký vất vả, Bộ chỉ đạo mở kênh đăng ký tại các trường phổ thông, Sở Giáo dục. Sau đợt 1, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục khắc phục hạn chế ngay trong đợt xét tuyển thứ 2. Hiện những bất cập đều đã được khắc phục như thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ ngắn hơn (trong 10 ngày) và thí sinh không được rút nguyện vọng.
"Các em chỉ nộp cần phiếu đăng ký xét tuyển ở nơi nào thuận lợi nhất, có thể tại trường phổ thông, Sở Giáo dục, trường ĐH hoặc gửi qua bưu điện", bà Phụng nói.
Về kỳ thi THPT quốc gia, Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho hay, Bộ sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trong khâu kỹ thuật. "Bộ Giáo dục sẽ tổ chức rút kinh nghiệm tổng thể những gì mà kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển Cao đẳng, ĐH đã không lường trước được, làm sao cho kỳ thi sau gọn nhẹ hơn, đảm bảo chất lượng", bà Phụng nói.
Về thí sinh ở Bình Thuận cầm biển kêu gọi giúp đỡ khi được 26,5 điểm nhưng không được học đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết chiều 31/8 khi nhận được thông tin báo chí cung cấp về sự nhầm lẫn của Sở Y tế Bình Thuận khi cử thí sinh Trần Văn Sâm đi thi liên thông ngành Y đa khoa (khóa 2015-2019) tại Đại học Y dược Cần Thơ ngày 15/7.
"Em Sâm do không đủ điều kiện là viên chức nhà nước cử đi thi nên không được nhận vào học. Sở cho biết thí sinh này mới ký hợp đồng chưa phải là viên chức, sau này xác định vì không đúng đối tượng nên Sâm không đủ để xét trong hệ thống điểm trong các viên chức cử đi thi", bà Phụng giải thích.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với Sở Giáo dục, Sở Y tế và ĐH Y Dược Cần Thơ về việc nếu thí sinh không phải trong hệ viên chức nhà nước thì xét như thí sinh tự do. ĐH Y Dược Cần Thơ đã đồng ý với phương án này.

Phân luồng hồ sơ thí sinh sẽ hạn chế rối loạn khâu xét tuyển

Độc giả Cong Thuynh cam đoan phương pháp của mình sẽ khắc phục một cách triệt để những hạn chế trong đợt tuyển sinh vừa qua của cơ quan quản lý cũng như giảm khó khăn tốn kém cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Là người có thâm tiên trong lĩnh vực đào tạo, trước hết tôi đánh giá cao chủ trương đổi mới toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và cải cách công tác thi, xéttuyển sinh năm 2015.

Nói về đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng đại học cao đẳng vừa qua, chúng tôi nhận thấy rằng bản chất của việc rối loạn đó là sự thiếu quy hoạch phân luồng, thông tin về điểm chuẩn được cập nhật là rất thiếu chính xác, không đúng thực tế sẽ diễn ra nên không hề có tính định hướng như Bộ Giáo dục dự tính và mong muốn. Để khắc phục những hạn chế này và những khó khăn vất vả cho thí sinh, phụ huynh cũng như các trường đại học, cao đẳng, cần phải có sự quy hoạch phân luồng hồ sơ hợp lý, dự báo và cập nhật thông tin điểm chuẩn một các thực tế, chính xác. Chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến sau:

Trước hết, nếu Bộ Giáo dục hoàn thiện phần mềm xét tuyển chung của Bộ, thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên mạng Internet (không phải đến các trường để nộp hồ sơ xét tuyển) sẽ rất tốt, giúp giảm rất nhiều thời gian và chi phí. Vẫn áp dụng nguyên tắc là thí sinh chỉ được đăng ký một lần vào một trường với 2 (hoặc 3 hoặc 4) nguyện vọng trong cùng một trường (khi đã đăng ký xét tuyển vào một trường nào đó thành công thì hiển nhiên không thể đăng ký tại (n-1) trường còn lại trong cùng một đợt xét tuyển).

Thứ hai, phải quán triệt thực hiện phân luồng nộp hồ sơ với nguyên tắc thí sinh có điểm xét tuyển cao có nhiều cơ hội trong việc chọn trường, chọn ngành hơn những thí sinh có điểm xét tuyển thấp hơn. Nguyên tắc này là tiêu chí thực hiện cho cả quy trình nộp hồ sơ tại trường hoặc online. Để thực hiện nguyên tắc này, cần quy định thời gian nộp đăng ký nguyện vọng cho những thí sinh có phổ điểm xét tuyển khác nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp. Nếu thí sinh không đăng ký trong thời gian quy định sẽ coi như trượt đợt 1, và có thể tham gia xét tuyển các đợt sau. Có thể áp dụng như sau:

- Một ngày đầu dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 29 điểm trở lên;

- Một ngày tiếp theo dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 28 đến dưới 29;

- Một ngày tiếp theo dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ 27 đến dưới 28;

- ….. (Phần trung vị, điểm thấp và số thí sinh trong phổ điểm này tăng cao có thể chia khoảng cách 0.5 điểm cho một ngày);

- 2 ngày cuối cùng của đợt tuyển sinh sẽ dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển từ điểm sàn đến dưới điểm sàn +1 và các trường hợp còn lại của ngày hôm trước;

Kết quả tuyển sinh sẽ được cập nhật và công bố ngay trong ngày, đó sẽ là kết quả chính thức, thay vì kết quả tạm thời (ví dụ vào thời điểm 18h hàng ngày).

Thí sinh nào đỗ hay trượt cũng sẽ được công bố trong ngày nộp hồ sơ nguyện vọng và được cho phép nộp hồ sơ lần tiếp theo vào ngày hôm sau (khi có căn cứ về việc không trúng tuyển – giấy biên nhận hồ sơ nộp ngày hôm trước với kết quả không trúng tuyển sẽ tương đương với phiếu báo điểm của lần nộp hồ sơ đầu tiên). Việc rút hồ sơ có thể thực hiện sau.

Phần mềm của Bộ liên tục cập nhật online số chỉ tiêu còn lại của các trường, theo từng ngành, từng tổ hợp xét tuyển và kết quả chính thức được công bố vào 18h cùng ngày. Những trường, ngành nào trong ngày hôm đó đã đủ chỉ tiêu, đương nhiên các thí sinh khác của ngày hôm sau không thể đăng ký được nữa.

Thứ ba, hết thời gian xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển cơ sở dữ liệu và danh sách trúng tuyển vào các trường đợt 1. Các trường sẽ tổ chức thu/trả hồ sơ xét tuyển của các thí sinh trúng tuyển/không trúng tuyển theo danh sách và làm thủ tục nhập học.

Thứ tư, những trường đợt 1 xét tuyển chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển đợt 2 (tương tự như trên nhưng thời gian sẽ ngắn hơn với bước nhảy điểm số sẽ rộng hơn).

Việc áp dụng theo phương pháp nộp hồ sơ xét tuyển như trên sẽ tránh được các vấn đề đang gặp phải như sau:

Đối với thí sinh:

- Không mất cả một khoảng thời gian dài để quan tâm, lo lắng, cập nhật thông tin tuyển sinh 2015, mà chỉ tập trung vào theo dõi một số ngày trước và một ngày nộp hồ sơ (có thể là 2 với thí sinh bị trượt trong ngày đầu tiên).

- Các thí sinh luôn nắm rõ tình hình và tính toán được tỷ lệ chắc chắn đỗ là rất cao khi nộp hồ sơ, cũng như biết được cơ hội của mình với những mục tiêu cụ thể là như thế nào ngay từ khi chưa đến lượt mình nộp hồ sơ.

- Không phải chay đi chạy lại nhiều lượt trong nhiều ngày, rút/nộp hồ sơ nhiều lần như đợt tuyển sinh vừa qua, chỉ phải rút hồ sơ không trúng tuyển sau khi kết thúc đợt tuyển sinh (giấy biên nhận hồ sơ của trường đầu tiên sẽ giúp thí sinh chuyện này).

- Tránh được những hỗn loạn, ùn tắc và di chuyển không cần thiết, tốn kém như việc nộp hồ sơ cho đợt tuyển sinh vừa qua, các thí sinh điểm thấp sẽ ung dung ngồi nhà đợi tình tình và đưa ra tính toán thực tế nhất cho mình.

Đối với các trường đại học, cao đẳng:

- Không cần huy động một lực lượng lớn cán bộ thu nhận hồ sơ tuyển sinh, vì sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc số lượng lớn. Thời gian tuyển sinh có thể sẽ rút ngắn đi rất nhiều (giảm lãng phí khủng khiếp về nhân lực và lao động như đợt tuyển sinh vừa rồi). Ví dụ: Dễ dàng nhận thấy Đại học Ngoại thương Hà Nội sẽ hoàn tất tuyển sinh sau khoảng 3 ngày đầu.

- Không mất thời gian xử lý quá nhiều hồ sơ; chắc chắn rằng các hồ sơ được xử lý là gần như sẽ trúng tuyển. Giải phóng công sức lao động vô ích.

- Công tác tuyển sinh sẽ trở nên vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng không tốn kém.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Cổng thông tin của Bộ, cũng như hệ thống xử lý tuyển sinh sẽ được giảm tải rất nhiều, thông tin cập nhật công bố là gần như chính xác nhất với thực tế. Điều này giảm các rủi ro thông tin và công sức tính toán của xã hội cho những trường hợp không thực tế như những ngày đầu của đợt tuyển sinh vừa qua (Kết quả thực tế đến phút cuối cùng mọi người mới được thấy).

- Việc thanh tra kiểm soát trở nên dễ dàng hơn vì có sự phân luồng, giảm lưu lượng. Các hồ sơ được định hướng rất rõ ràng vào đúng vị trí của nó.

- Một kỳ tuyển sinh tốt đẹp, thuận lợi cho các đối tượng liên quan sẽ giảm giấy mực của báo chí, công sức của truyền thông, tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của xã hội.

Tôi xin cam đoan phương pháp này sẽ khắc phục một cách triệt để những hạn chế trong đợt tuyển sinh vừa qua của cơ quan quản lý cũng như khó khăn tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và các cơ sở đào tạo.

Rất mong Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu, áp dụng đề xuất trên nhằm đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo nói chung và công tác xét tuyển hằng năm đi vào thực chất. Nếu được đăng, cũng rất mong nhận được đóng góp của các độc giả, để chúng ta sẽ có một phương án xét tuyển sinh tối ưu góp ý cho Bộ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét