Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Các trường top dưới đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tuyển

Bộ GD&ĐT đã không khống chế chỉ tiêu của các trường công lập trong đợt xét NV1 dẫn tới việc các trường top trên hút hết thí sinh chất lượng tốt, khiến các trường top dưới lâm cảnh “ế ẩm chợ chiều".

Nhiều trường thiếu hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển

Kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, chỉ có một số trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung có số lượng hồ sơ đủ học nhiều hơn chỉ tiêu, còn lại rất nhiều trường ngoài công lập vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển.
Dẫn đầu trong số này có thể kể đến trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, với hơn 4.000 chỉ tiêu trong năm 2015-2016.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 7/9, nhà trường chỉ mới nhận được trên 1.000 hồ sơ xét tuyển, 3.000 chỉ tiêu còn lại phải tiếp tục “vét” trong các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo.
Tại trường dân lập Phương Đông Hà Nội, kết thúc đợt xét tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 2, trường mới chỉ có hơn 450 hồ sơ trên tổng số 1.200 chỉ tiêu xét tuyển. Trường đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội cũng mới nhận được khoảng 700 chỉ tiêu trên tổng số 1.200 chỉ tiêu.
Con số này tại trường đại học dân lập Đông Đô Hà Nội là 800 trên 1.500 chỉ tiêu.
Các trường top dưới đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tuyển

Thí sinh điểm cao đổ xô vào các trường top trên ở đợt xét tuyển NV1.

Mặc dù là trường công lập nhưng số hồ sơ xét tuyển vào trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại cũng chỉ nằm ở mức hơn 800 hồ sơ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, còn hơn 1.000 chỉ tiêu còn lại nhà trường phải tiếp tục “vét” trong những đợt tuyển sinh còn lại.
Đáng lo lắng hơn là số thí sinh đến nhập học trên thực tế có thể còn thấp hơn con số 800 nhiều vì ở đợt xét tuyển này, thí sinh có 3 phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển ở 3 trường khác nhau.
Đó là điểm qua tình trạng ế ẩm của các trường phía Bắc, còn phía Nam cũng chẳng khá hơn gì.
Sau 2 đợt xét tuyển, nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập khu vực phía Nam chỉ tuyển được từ 30%-70% chỉ tiêu, vì vậy các trường tiếp tục tổ chức xét tuyển nguyện vọng đợt 3 với hàng nghìn chỉ tiêu từ ngày 11/9 đến hết ngày 21/9.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng dành tới gần 2.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng đợt 3. Bên cạnh nhận xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì trường cũng xét tuyển theo học bạ THPT.
Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng cho biết sẽ xét tuyển thêm khoảng 555 chỉ tiêu ĐH và 450 chỉ tiêu CĐ ở đợt xét tuyển NVBS đợt 2
Còn tại ĐH Công nghệ TP.HCM, trường này cũng tiếp tục xét tuyển thêm cho tất cả các ngành, mỗi ngành 10 chỉ tiêu để hạn chế tình trạng thiếu hụt thí sinh.
Ở khu vực tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Lạc Hồng cũng tiếp tục xét tuyển NVBS đợt 2 tất cả các ngành với mức điểm 15 với hệ ĐH và 12 với hệ CĐ.
Tương tự, ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng dành hơn 30% chỉ tiêu để xét tuyển NVBS đợt 2 với mức điểm bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Thực trạng đáng báo động này xảy ra còn căng thẳng hơn tại các trường cao đẳng, trung cấp.
Ghi nhận tại trường Cao đẳng nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM, trung bình mỗi ngày trường cao đẳng này chỉ nhận được khoảng 30 hồ sơ, bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái. Vì thế, mặc dù đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600, nhưng tính cho đến thời điểm hiện tại, trường chỉ mới chắc chắn tuyển được 400 em, bằng 1/4 so với kế hoạch đề ra.
Đại diện một số trường cao đẳng cho biết, do năm nay có đến 5 đợt xét tuyển, nên nhiều thí sinh vẫn cố gắng nộp hồ sơ vào các trường đại học, chỉ khi không còn cơ hội mới nghĩ đến việc nộp hồ sơ vào trường cao đẳng hay trung cấp. Và việc phải chờ thí sinh cho đến đợt xét tuyển cuối cùng là 20/11 để đủ chỉ tiêu sẽ khiến các trường gặp khó trong công tác đào tạo.

“Kết cục” đã được báo trước

TS. Lê Viết Khuyến, Phó trưởng Ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ trên tờ CAND: Việc các trường đại học ngoài công lập và một số trường đại học công lập tốp dưới không tuyển đủ chỉ tiêu sau đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 là điều đã được báo trước. Thậm chí, các trường này sẽ phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nguồn tuyển trong các đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Ông Khuyến cho rằng, một trong những lý do dẫn đến hệ quả này là do Bộ GD&ĐT đã không khống chế chỉ tiêu của các trường công lập trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1.
Bởi theo lý giải của ông, nếu như các năm trước, các trường đại học thường dành khoảng 70-80% chỉ tiêu tuyển sinh 2015 trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thì năm nay, hầu hết các trường đại học top đầu và top giữa đều lấy 100% chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, cả nước có 38 trường không xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hầu hết thí sinh có điểm cao đã an phận ở các trường top trên và top giữa. Số điểm cao vừa phải, bị trượt nguyện vọng 1 có thể đang chờ xét vào hệ Cao đẳng của trường mà thí sinh đó đã nộp hồ sơ hoặc chờ sang năm để có cơ hội xét tuyển vào các ngành, nghề ưa thích
Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khác như có nhiều thí sinh là học sinh vùng sâu vùng xa đạt điểm trên mức điểm ngưỡng của Bộ Giáo dục- Đào tạo, tuy nhiên, không có đủ điều kiện để đi học; một số thí sinh khác còn đang phân vân trong việc chọn trường chọn ngành nên chưa vội nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung và cuối cùng là có thể một số trường công lập đã đủ chỉ tiêu nhưng găm hồ sơ của những thí sinh điểm cao để phục vụ đào tạo các chương trình liên kết”, TS Lê Viết Khuyến nhận định.
Nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra những vấn đề mới: Không biết thí sinh đạt từ 12 - 15 điểm đi đâu? Nếu tình trạng này xảy ra ở các mùa tuyển sinh năm sau thì sẽ dẫn tới đâu? Vậy có nên đóng cửa ngành hay trường không có người học không?
Riêng ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định, ngày nay thí sinh có cơ hội lựa chọn nhiều hơn với phương thức tuyển sinh mới 2015 nên thí sinh sẽ đến học ở những trường có thương hiệu và dễ xin việc làm hoặc những môi trường năng động như Hà Nội và TPHCM để có cơ hội kiếm việc làm thêm, ra trường có công ăn việc làm.
Nhiều ý kiến cho rằng các trường có thể chuyển đổi ngành đào tạo cho phù hợp, nhưng phải chuyển thật chứ không phải chuyển giả - nghiên cứu ra ngành mới chứ không phải đổi tên ngành cho hấp dẫn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét