Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Hồi hộp chờ công bố điểm chuẩn ĐH

Điểm chuẩn dự kiến của nhiều trường biến động liên tục, trong đó tăng cao nhất là các trường luật, có ngành tăng tới 4 điểm.
Tính đến chiều 19-8, hầu hết các trường ĐH công lập tại khu vực TP.HCM và Hà Nội cơ bản đã lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh ở tất cả ngành. Trong ngày áp chót, thí sinh (TS) điểm cao tiếp tục nộp vào đã đẩy điểm chuẩn dự kiến của nhiều trường tăng vọt.

Điểm chuẩn ngành luật tăng vọt

Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, sáng 19-8 có hàng trăm TS đến làm thủ tục rút, nộp hồ sơ cũng như thay đổi nguyện vọng đăng ký. TS Lê Đình Nghị, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết trường đã nhận được hơn 5.000 hồ sơ, tuy nhiên cũng có hơn 1.600 hồ sơ đã rút ra.
Theo ông Nghị, trường đã đưa ra dự kiến điểm trúng tuyển (đã cộng điểm ưu tiên của TS). Theo đó, dự kiến điểm chuẩn của ngành luật: khối A là 22,75; khối C là 26; khối D1 là 20,25. Ngành luật kinh tế: Khối A là 24,75; khối C là 27,5; khối D1 là 23,25 điểm. Ngành luật thương mại quốc tế và ngành ngôn ngữ Anh: Trường chỉ tuyển khối D1 với mức điểm chuẩn dự kiến là 29,25 và 25 (môn tiếng Anh nhân hệ số 2).
So với điểm chuẩn dự kiến được công bố sáng 17-8 thì điểm các ngành lấy theo tổ hợp khối D1 (toán, văn, Anh) tăng lên nhiều. Cụ thể ngành luật tăng 2 điểm, ngành ngôn ngữ Anh tăng gần 4 điểm, ngành luật thương mại quốc tế tăng gần 1 điểm. Điểm chuẩn các ngành lấy theo tổ hợp khối A và C không có biến động.
Tại TP.HCM, ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết ngày qua số TS có điểm thấp hơn mức điểm chuẩn dự kiến trường công bố rút ra khá nhiều. Hiện số TS nộp vào có điểm bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn tạm thời đã vượt quá chỉ tiêu của trường, trong đó chủ yếu là TS chưa nộp và TS từ các trường có điểm cao dạt qua như ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 tại TP.HCM. Tuy nhiên, phải đợi sau ngày 20-8, hội đồng tuyển sinh của trường mới chốt chính thức số TS trúng tuyển.
Hồi hộp chờ công bố điểm chuẩn ĐH
Đông đảo thí sinh hối hả rút, nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Luật Hà Nội sáng 19-8

Nhiều trường đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh 2015

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trong hai ngày cuối bình quân mỗi ngày có khoảng 400 TS đến nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong đó, các ngành kinh tế, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học có số TS nộp vào, rút ra nhiều nhất. Đây là TS từ các trường ĐH Tài chính-Marketing, Kinh tế TP.HCM, Y Dược TP.HCM và Bách khoa có điểm khá cao đổ qua đẩy số TS có điểm 17-18 ra khỏi danh sách trúng tuyển. Hiện điểm chuẩn tạm của các ngành này dao động 18,75-19 điểm.
Ông Sơn nhận định ngày áp cuối điểm chuẩn dự kiến các ngành bình quân nhích lên 0,5 điểm. Hiện chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của các ngành đã vượt quá chỉ tiêu (2.800). Dự kiến ngày 24-8 trường sẽ công bố điểm trúng tuyển chính thức.
Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thông tin chỉ tiêu 4.000 của 46 ngành tính đến ngày 19-8 đã được lấp kín nên trường không xét tuyển bổ sung các đợt sau. Tính đến chiều 19-8, có gần 440 hồ sơ nộp vào đẩy tổng số hồ sơ nộp vào gần 14.440, đồng thời có gần 300 hồ sơ rút ra trong ngày nâng tổng số hồ sơ rút ra hơn 7.052.
Theo ông Sơn, hôm nay, ngày cuối cùng dự kiến sẽ có nhiều TS đến nộp hồ sơ. Dự kiến từ ngày 22 đến 24-8 trường sẽ công bố danh sách TS trúng tuyển.
PGS-Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết 8.500 chỉ tiêu ở các ngành đã lấp kín. Những ngày qua số TS nộp vào, rút ra khá lớn. Ghi nhận những ngày cuối điểm chuẩn dự kiến ở các ngành đều nhích lên 0,5-1 điểm.

Điểm chuẩn tăng từng ngày

Ông Lê Việt Anh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết vẫn còn những TS điểm cao chưa nộp hồ sơ, tuy nhiên số lượng không nhiều. Điểm trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương sẽ không có nhiều biến động so với điểm chuẩn dự kiến nhà trường công bố ngày 18-8, nếu có chênh lệch thì trong khoảng 0,25 điểm.
Đại diện Trường ĐH Y Hà Nội cho biết điểm chuẩn dự kiến của trường cũng tăng lên từng ngày. Theo điểm chuẩn dự kiến ngày 18-8 thì điểm một số ngành đã tăng 0,25 so với một ngày trước đó. Cụ thể, ngành y đa khoa tăng từ 27,5 lên 27,75; ngành y học cổ truyền tăng từ 25,25 lên 25,5; ngành răng hàm mặt cũng tăng 0,25 điểm từ 27 lên 27,25. Các ngành khác như điều dưỡng, y tế công cộng điểm chuẩn dự kiến cũng tăng 0,25 so với hôm qua.
TS Nguyễn Vũ Thắng, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết điểm trúng tuyển dự kiến của trường thay đổi từng ngày, tuy nhiên mức tăng chỉ 0,01-0,05 điểm. Theo ông Thắng, trường đã xây dựng phần mềm tự động để có thể đưa ra mức điểm chuẩn ngay sau khi kết thúc đợt xét tuyển. “Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết thúc xét tuyển, chỉ sau năm phút, ĐH Bách khoa có thể xác định được mức điểm chuẩn của từng ngành” - ông Thắng cho biết.
ĐH Huế: Hơn 2.000 hồ sơ rút ra
Ngày 19-8, không khí rút và nộp hồ sơ xét tuyển tại ĐH Huế diễn ra rất khẩn trương. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm TS và phụ huynh tập trung ở khu vực nộp, rút hồ sơ. Nhiều TS cảm thấy bất an, chưa đưa ra quyết định cuối cùng nên chọn ngành nào cho phù hợp khi điểm xét tuyển cứ tăng cao. Ông Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban Khảo thí, Ủy viên Thường trực Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế, cho biết đến trưa 19-8, lượng hồ sơ nộp vào ĐH Huế là khoảng 18.000 và có hơn 2.000 hồ sơ rút ra. Dự kiến sau ngày 25-8, ĐH Huế mới công bố điểm chuẩn.

Có gì trong 20 ngày xét tuyển Đại học nguyện vọng 1?

17h ngày 20/8, kỳ xét tuyển Đại học 2015 nguyện vọng 1, "cuộc chiến" trong 20 ngày đã chính thức kết thúc.

Kỳ xét tuyển Đại học 2015 nguyện vọng 1 từ ngày 1/8 đến 20/8/2015 đã chính thức kết thúc. Thí sinh không được nộp, rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, kỳ xét tuyển 20 ngày vừa qua khá căng thẳng, không kém 5 ngày thi THPT quốc gia trước đó.

Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015 của Bộ GD&ĐT quy định: "Cập nhật dữ liệu ĐKXT vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp".

Quy định này nhằm giúp thí sinh có một "bức tranh toàn cảnh" về điểm thi của các thí sinh khác cùng nộp vào trường, ngành để có thể rút, nộp hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng cho phù hợp với mức điểm. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều thí sinh vất vả rút, nộp hồ sơ, thậm chí cả ngày ôm máy tính để cập nhật thông tin xét tuyển.

Để "khắc phục" tình thế trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chỉ đạo như công bố thông tin xét tuyển trên phương tiện truyền thông đại chúng, mở phòng máy tính của trường ở vùng sâu vùng xa để thí sinh có điều kiện cập nhật.

Ngoài ra, Bộ cũng cho phép thí sinh rút, nộp hồ sơ ở trường THPT, Sở GD&ĐT hay nhiều trường cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng trên máy tính. Tuy nhiên, tình trạng thí sinh ăn chực nằm chờ hay đi cả trăm cây số về thành phố để rút, nộp hồ sơ cũng đã gây khó khăn không nhỏ trong kỳ xét tuyển này.

Phút cuối… đành liều

Ngày 20/8, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều thí sinh, phụ huynh đã bật khóc vì loay hoay mãi vẫn thấy… toàn là trượt.

Chiều 20/8, tờ Vietnamnet đăng câu chuyện một bà mẹ cùng con gái thuê trọ cả tuần nay ở Hà Nội để canh điểm chuẩn tạm thời thay đổi. Sau khi nộp rồi rút những vẫn thấy không ăn thua, cuối cùng nữ sinh này đành chọn đại 1 khoa thấp nhất của một trường đại học.

Lại một câu chuyện khác, một ông bố ở TP.HCM, 3 ngày chở con trai đi rút, nộp hồ sơ 3 lần vì “thằng bé được 23 điểm, mỗi đêm ngủ dậy lại thấy mình trượt”. Đến phút cuối, ông bố đành chọn đại một trường và cầu trời không trượt.

Nhiều người loay hoay rút, nộp hồ sơ, nhưng cũng có những thí sinh cùng phụ huynh thi gan đến phút chót. Tại nhiều trường ĐH trên cả nước, đến gần 17h ngày 20/8 vẫn có hàng loạt thí sinh và phụ huynh chờ đợi vì nhiều trường cập nhật điểm chuẩn tạm thời theo… giờ!

16h chiều 20/8, nhiều thí sinh khi thấy mình thiếu điểm đã vội vàng đi rút hồ sơ, hay thay đổi nguyện vọng để mong kiếm được “vé vớt” nhưng không kịp hoặc kịp nhưng không biết chọn gì. Cuối cùng, không ít thí sinh “bí quá, hóa liều” nộp hoặc thay đổi vào trường, ngành không yêu thích.

Kỳ tuyển sinh Đại học 2015 được nhiều người ví như “canh bạc”, “chơi chứng khoán”. Nhiều thí sinh đã “thua đau” và quá mệt mỏi với đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Còn tới 4 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung mà không được rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng, các thí sinh sẽ ra sao?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét