Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Thí sinh rộng cửa trúng tuyển đại học, trường lo hồ sơ ảo

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ được dùng đồng thời cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả để đăng ký xét tuyển vào ba trường đại học khác. Với mỗi trường, các em được đăng ký tới 4 nguyện vọng. Theo đó, tổng số nguyện vọng dành cho thí sinh trong một đợt xét tuyển bổ sung là 12 nguyện vọng.
Cơ hội cho thí sinh là rất lớn, còn các trường đại học lại lo thí sinh ảo.

Rộng cửa cho thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ đợt 2

Theo thống kê chiều 26/8 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn hơn 100 trường đại học, cao đẳng thiếu chỉ tiêu xét tuyển. Các trường ở khắp ba vùng Bắc, Trung, Nam, trong đó có cả các trường công lập và ngoài công lập, với hàng chục nghìn chỉ tiêu ở rất nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. 

Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang tuyển hơn 900 chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì tuyển 1.500 chỉ tiêu, Đại học Đà Lạt tuyển 1.000 chỉ tiêu, Đại học Kinh doanh và Công nghệ thiếu 4.000 chỉ tiêu…

Điểm nhận hồ sơ xét tuyển của đa số các trường rất thấp, đa số chỉ bằng ngưởng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15 điểm với bậc đại học và 12 điểm với bậc cao đẳng.

Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội đỗ đại học, cao đẳng ở nguyện vọng bổ sung của các thí sinh đã trượt nguyện vọng một vẫn rất rộng mở.

Cơ hội đỗ còn rộng mở hơn nữa khi ở nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký cùng lúc 12 nguyện vọng vào 3 trường. 

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh, khắc phục tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như mọi năm.

Trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ cũng quy định các trường phải liên tục cập nhật thông tin về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, khác với đợt một, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ xét tuyển từ trường này để đăng ký sang trường khác.

Bên cạnh việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các thí sinh còn có có hội trúng tuyển đại học theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm học tập bậc trung học phổ thông. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hơn 200 trường có phương án xét tuyển khác bên cạnh xét tuyển dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia. Trong đó, phương án được đa số trường lựa chọn là dựa vào điểm học bạ.
Thí sinh rộng cửa trúng tuyển đại học, trường lo hồ sơ ảoThí sinh sẽ có nhiều cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung

Trường lo hồ sơ ảo

Thí sinh có rất nhiều lợi thế, nhưng các trường đại học lại lo hồ sơ ảo khi các em có rất nhiều nguyện vọng.

Là người có hàng chục năm làm công tác tuyển sinh, ông Lê Hữu Lập, trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, số hồ sơ ảo của đợt xét tuyển bổ sung rất lớn.

“Đợt một, thí sinh chỉ được đăng ký một trường nhưng đã xuất hiện tình trạng ảo. Đợt này, các em được đăng ký tới ba trường, hồ sơ ảo sẽ lớn hơn. Ảo không chỉ giữa các trường với nhau mà trong chính từng trường vì mỗi em được đăng ký bốn ngành,” ông Lập nói.

Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng đào tạo Đại học Lâm nghiệp cho biết, đây cũng là vấn đề khiến nhà trường đau đầu. “Chúng tôi chỉ lo gọi 1.000 em mà chỉ lo vài trăm em đến,” ông An chia sẻ.

Để tránh tình trạng này, Đại học Kinh doan và Công nghệ đã quyết định cấp giấy chứng nhận trúng tuyển ngay khi thí sinh đến làm thủ tục nếu đủ điều kiện điểm xét tuyển theo yêu cầu của trường. 

Thừa nhận sẽ có tình trạng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các năm trước cũng có tình trạng ảo khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Vì thế, các trường cũng có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh đến hết ngày 7/9.
Tin liên quan:

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Lác đác thí sinh đến nộp hồ sơ

Đại học Đà Nẵng chính thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Trong ngày đầu tiên lác đác thí sinh đến nộp hồ sơ.

Ngày 26/8, Đại học Đà Nẵng chính thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên chỉ có vài ba thí sinh đến nộp hồ sơ. 

Ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, rất ít thí sinh đến nộp hồ sơ tại Đại học Đà Nẵng. Khác với đợt trước, lần này thí sinh có thể đăng ký 3 nguyện vọng nhưng sau khi đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh không được phép thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Ngoài ra, thí sinh có thể gửi phiếu đăng ký xét tuyển tại sở Giáo dục và Đào tạo hoặc trường THPT do sở Giáo dục và Đào tạo quy định; gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường Đại học.

Bạn Vi Bá Quyền nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Cao đẳng Công nghệ-Đại học Đà Nẵng cho biết: “thời gian đăng ký xét tuyển lần này chỉ bằng nửa thời gian đợt 1 nên phụ huynh và thí sinh không phải chờ đợi lâu. Đợt này cho đăng ký 20 ngày học sinh có thể rút đi nộp lại đến 10 lần cho nên không biết nộp lại trường nào, ngành nào. Đợt này ít người nộp và dễ nộp hơn đợt 1 rất nhiều”.

Hiện nay, nhiều trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã xét tuyển đủ chỉ tiêu. Vì thế, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần này, Đại học Đà Nẵng chỉ còn gần 2.000 chỉ tiêu tập trung vào 3 trường Cao đẳng Công nghệ; Cao đẳng Công nghệ thông tin và Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
Tiến sỹ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban đào tạo Đại học Đà Nẵng cho biết: Trong đợt 2, Đại học Đà Nẵng tuyển sinh cho 2 trường Cao đẳng và phân hiệu tại Kon Tum. Rút kinh nghiệm từ đợt 1, đợt 2 chúng tôi cũng bố trí các bộ phận để tham gia tất cả các công tác thu nhận hồ sơ, in hồ sơ tuyển sinh nhưng trong ngày đầu tiên thí sinh đến nộp hồ sơ khá ít do các trường Đại học của Đại học Đà Nẵng đã tuyển đủ thí sinh. Dự kiến trường Cao đẳng Công nghệ và Cao đẳng Công nghệ thông tin cũng sẽ tuyển đủ trong đợt 2.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Không lo thiếu chỉ tiêu

Theo ghi nhận của phóng viên, cho thấy số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung có sự chênh lêch giữa các trường.

Ngày 26-8, các trường đại hoc, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước bắt đầu tiến hành nhận hồ sơ đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu đào tạo của nhà trường năm 2015 là 5.000, nhưng trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 mới nhận hơn 1.000 hồ sơ nên chỉ tiêu xét tuyển nguyên vọng bổ sung vẫn còn nhiều.

“Ngày 26-8, chỉ có hơn 50 thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Hiện nhà trường cũng đang băn khoăn và chưa tìm ra nguyên nhân vì sao số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung lại thấp như vậy. Vì số lượng thí sinh chưa trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ ở nguyện vọng 1 vẫn còn nhiều", ông Hóa cho biết.

Theo nhận định của ông Hóa, nhà trường cũng không lo thiếu chỉ tiêu vì đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thí sinh có thể nộp qua bưu điện, qua các Sở Giáo dục- Đào tạo hay các trường THPT.

Sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, Trường ĐH Mỏ địa chất vẫn còn thiếu gần 2.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 500 chỉ tiêu CĐ. Tuy nhiên trong ngày đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung cũng chỉ có khoảng 50 thí sinh đến trường nộp hồ sơ xét tuyển.

Tuy nhiên, tại Trường ĐH Điện lực số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển khá cao. Ngày 26-8, trường đã có gần 200 thí sinh nộp hồ sơ trong khi chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung chỉ có 250.

Tại Trường ĐH Thủy lợi, cơ sở phía Bắc chỉ còn 50 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung dành cho chương trình đào tạo tiên tiến. Tuy nhiên, ngày 26-8 trường đã tiếp nhận 30 hồ sơ xét tuyển với mức điểm thí sinh đạt được đều trên 20 điểm.

Ông Cao Quốc An, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung trường tuyển thêm 1.800 chỉ tiêu. Ngày 26-8 có khoảng 100 thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Theo quy chế tuyển sinh năm 2015, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần này, thí sinh có quyền được nộp cùng lúc 3 phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào 3 trường. Bên cạnh đó, thí sinh còn được phép nộp bản photo phiếu đăng ký nguyện vọng bổ sung, mỗi phiếu, thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ gây nên tỷ lệ thí sinh “ảo” cho các trường ĐH, CĐ.

Ông Cao Quốc An, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Lâm nghiệp cho biết: “Trường không lo lắng sẽ thiếu chỉ tiêu. Chỉ lo lắng năm nay thí sinh được nộp ba giấy xét tuyển nguyện vọng bổ sung cùng lúc, nên tỉ lệ  hồ sơ xét tuyển "ảo" rất nhiều. Ví dụ, nhà trường cấp giấy nhập học cho 1.000 thí sinh mà chỉ có 300 thí sinh đến nhập học sẽ thiếu chỉ tiêu, mà gọị số lượng nhiều hơn so với chỉ tiêu, thí sinh đến nhập học đầy đủ sẽ phạm luật của Bộ Giáo dục- Đào tạo”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét