Những
ngày qua, thí sinh nháo nhào đến trường này rút hồ sơ rồi lại tất bật
sang trường khác để nộp. Nhiều người cho rằng kỳ tuyển sinh ĐH năm nay
hết sức mệt mỏi, tốn kém...
Thí sinh chờ rút hồ sơ trước cửa phòng Đào tạo, trường ĐH Sư Phạm TP.HCM chiều ngày 11-8
|
Tuyển sinh 2015: Hàng ngàn thí sinh gian truân nộp lẫn rút hồ sơ...
"Tham
gia xét tuyển như chơi… chứng khoán. Bộ Giáo dục giúp cho thí sinh chờ
đợi, căng thẳng, phán đoán, theo dõi rồi quyết định: nộp vô - rút ra và
lại nộp vô -rút ra", một bạn đọc viết.
Bạn
Huy Ân (18 tuổi) chia sẻ: “Mình lên trang web của Trường ĐH KHXH&NV
TP.HCM xem chỉ tiêu, trường chỉ liệt kê chỉ tiêu theo ngành chứ không
chia ra từng tổ hợp. Mình muốn vào ngành báo chí, xét tổ hợp khối D1 và
đứng thứ 30, liệu vậy có cơ hội đậu hay không?
Đem thắc mắc này gọi vào đường dây nóng tuyển sinh của
Trường KHXH&NV, thí sinh này nhận được câu trả lời của cán bộ phụ
trách là sau ngày 20-8 sẽ công bố chỉ tiêu từng tổ hợp.
“Sau 20-8, các thí sinh đã hết quyền được rút hồ sơ thay đổi, vậy lúc này công bố còn có ý nghĩa gì?”, thí sinh này phân vân.
“Chị ở đâu tôi không cần biết!"
Chiều
ngày 11-8, tại trường ĐH Sư Phạm TP.HCM (đường An Dương Vương , Q.5) có
rất nhiều thí sinh và phụ huynh đứng xếp hàng rút hồ sơ.
Mai
Trinh, một thí sinh vừa rút được hồ sơ cho biết mình phải xếp hàng hơn 2
tiếng dù đã nộp giấy xin rút hồ sơ từ hôm trước (10-8). Tương tự, Hồng
Ngọc (Q.Bình Tân) cũng nói mình phải chạy đi chạy về hai lần mới rút
được hồ sơ.
Đứng
phía ngoài tránh nóng khi con gái đang xếp hàng chờ rút hồ sơ, ông
Nguyễn Thành Nhã (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết đã chờ hai tiếng
đồng hồ nhưng vẫn chưa nhận được giấy hẹn rút hồ sơ.
“Hôm
nay xếp hàng chỉ để nhận giấy hẹn thôi. Ngày mai đến rút hồ sơ lại phải
xếp hàng tiếp. Việc mình làm thì phải nghỉ thôi, con đi thi thì cha
cũng đi thi luôn”, ông Nhã nói.
Trong
khi đó, một phụ huynh đến từ Ninh Thuận cho biết chị đi từ quê vào Sài
Gòn và đi ngược về mất 2 triệu đồng chỉ để rút hồ sơ cho con.
Phụ
huynh này cho biết chị buồn vì thái độ của những người trả hồ sơ. Chị
kể: Hôm qua mình xếp hàng gần như đầu tiên, mình có nói với cán bộ của
trường là thông cảm giúp vì hai mẹ con từ quê vào rất xa. Người này nói
lại là “chị ở đâu tôi không cần biết”.
"Mình
buồn câu nói đó từ hôm qua tới giờ, phải chi nói được câu vì đông quá,
chị thông cảm hay sao đó thì đã khác" - phụ huynh này chia sẻ.
Một
phụ huynh khác cũng lóng ngóng đứng ngoài cửa phòng đào tạo mà chưa dám
vào hỏi trường hợp của con mình, dù đã tốn hơn 3 triệu tiền vé máy bay
từ TP.Vinh vào TP.HCM vì “con bé sốt ruột quá khi không thấy tên trên
mạng”.
Vị này cho biết hỏi phòng này thì chỉ qua phòng kia, đến phòng kia thì lại bị chỉ ngược lại nên chưa biết hỏi thế nào đây.
“Bưu điện thông báo là trường nhận hồ sơ từ ngày 5-8 rồi nhưng đến hôm nay vẫn chưa thấy tên con tôi trên mạng”, phụ huynh nói.
Vất
vả hơn, bà Võ Thị Diệu - một giáo viên ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang -
và con gái đã ngồi trước cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chờ mở cửa từ 5g
sáng 11-8 để rút hồ sơ xét tuyển. Con bà thi được 28,5 điểm (đã nhân hệ
số) và đã vị “văng” ra khỏi nhóm an toàn của ngành sư phạm hóa nên hai
mẹ con đi xe lên Sài Gòn để rút hồ sơ.
“Mẹ
con tui đi từ 2g sáng, xe chở thẳng tới trường lúc 5g. Trường chưa mở
cửa nên ngồi chờ trước cổng. Nghe nói việc rút hồ sơ cũng nhanh nên tui
tranh thủ đi sớm để xong còn kịp về, hôm sau trường tui phải họp đầu năm
với ban giám hiệu. Nộp giấy tờ xong trường này nói mai mới trả giấy kết
quả, tui nghe mà tá hỏa luôn. Chúng tôi phải ở lại đêm rồi, lỡ dở công
việc hết” – bà Diệu nói.
Trước
đó, sáng 11-8, rất đông thí sinh và phụ huynh đến Trường ĐH Công nghiệp
TP.HCM để nộp hồ sơ xét tuyển. Số lượng thí sinh đến Trường ĐH Công
nghiệp TP.HCM tăng lên trong ngày hôm nay do nhiều thí sinh rút hồ sơ từ
các trường ĐH khác chuyển qua sau khi tham khảo điểm xét tuyển mà các
trường công bố.
3g
sáng cùng ngày, Trương Thị Kim Loan (Xuân Lộc, Đồng Nai) đã đi từ nhà
đến Trường Sư phạm kỹ thuật (TP.HCM) để rút hồ sơ rồi lập tức đến Trường
ĐH Công nghiệp TP.HCM để nộp hồ sơ xét tuyển.
Ba
của Loan vừa nhìn con gái xếp hàng nộp hồ sơ vừa tâm sự: "Đi đi lại lại
như vậy vất vả lắm. Hai bố con rất lo lắng vì tình hình xét tuyển năm
nay không biết đâu mà lần. Ngày nào, em nó cũng cập nhật thông tin, điểm
số, vừa thấy ở mức "nguy hiểm" là vội vàng đi rút hồ sơ bên Trường Sư
phạm kỹ thuật để nộp vào đây"
Cân nhắc kỹ khi rút, nộp hồ sơ
Trao đổi với TTO,
tiến sĩ (TS) Lê Chí Thông, trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa
TP.HCM cho biết lượng thí sinh rút hồ sơ ở trường không nhiều và cũng
chỉ mất vài phút để thí sinh có nguyện vọng rút được hồ sơ của mình.
"Không
rút được có thể là do thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện và trường vẫn
chưa nhận được hoặc đang xử lý hồ sơ của thí sinh đó. Thời gian nhập dữ
liệu hồ sơ là khoảng 2-3 ngày nếu thí sinh chưa khai trực tuyến. Một
trường hợp khác là thí sinh nhờ người đi rút giùm nhưng ủy quyền không
hợp lệ thì trường cũng không dám cho rút”, TS Lê Chí Thông nói.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM |
TS Lê Chí Thông đưa ra lời khuyên với các thí sinh về việc tiếp tục giữ hay rút hồ sơ tại nơi mình đăng ký.
“Các
bạn có thể lên trang web của trường ĐH Bách Khoa để xem thống kê điểm
và số lượng thí sinh. Nếu ngành nào số thí sinh đủ rồi mà điểm của mình
cao hơn điểm thấp nhất hiện tại thì vẫn có thể nộp vào. Với ngành chưa
đủ chỉ tiêu thì dù điểm cao hay thấp hơn điểm thấp nhất hiện tại, thí
sinh vẫn nộp hồ sơ được. Ngược lại, nếu ngành nào đã đủ chỉ tiêu mà điểm
của thí sinh thấp hơn điểm hiện tại công bố thì nên rút hồ sơ ra”, thầy
Thông chia sẻ.
Theo
tiến sĩ Sơn, điểm chuẩn dự kiến sẽ có sự thay đổi hàng ngày do các thí
sinh rút hoặc nộp hồ sơ vào, nên thí sinh cần bình tĩnh, không nên vội
vàng rút hồ sơ.
Theo
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, tính tới
ngày 11-8, trường đã nhận được 2931 hồ sơ xét tuyển, trong đó đã có
khoảng 350 hồ sơ được rút ra.
Trưởng
phòng Đào tạo, trường ĐH Sài Gòn Mỵ Giang Sơn cho biết thực chất phương
thức mới có tạo nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn. “Thi trước chọn
ngành sau, về mặt tổng thể xã hội, thí sinh chọn ngành sẽ tối ưu hơn,
chất lượng đầu vào của các ngành, các trường cao hơn. Đối với cá nhân
thí sinh cũng tốt hơn, nhiều lựa chọn cho thí sinh cân nhắc”, ông Sơn
nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ,
bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT cho
biết qua phản ánh của các phương tiện truyền thông bộ thấy rằng việc rút
hồ sơ, thay đổi nguyện vọng của thí sinh ở xa có phần khó khăn.
Do
vậy, bộ bổ sung nơi tiếp nhận thay đổi nguyện vọng nhằm tạo điều kiện
cho thí sinh được bình đẳng về cơ hội xét tuyển. Bộ có thảo luận để sở
GD-ĐT và các trường THPT tiếp nhận tin tin thay đổi nguyện vọng xét
tuyển, rút hồ sơ của thí sinh.
Bên
cạnh đó, bộ cũng điều chỉnh phần mềm để hỗ trợ việc này. Các sở căn cứ
vào nhu cầu thực tế của thí sinh cần bố trí nhân sự tiếp nhận phù hợp và
đảm bảo trong thời gian qui định.
Theo
bà Phụng, khi rút hồ sơ và thay đổi nguyện vọng, thí sinh điền vào mẫu
và các sở sẽ nhập vào phần mềm. Thông tin này sẽ được chuyển đến trường
thí sinh rút và trường mới thí sinh muốn xét tuyển. Trường cũ sẽ xóa dữ
liệu thí sinh trên hệ thống phần mềm quản lý và lưu giữ bản chính giấy
chứng nhận kết quả của thí sinh.
Trường
mới sẽ xét tuyển thí sinh dựa trên dữ liệu do các sở chuyển về như
những thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Nếu trúng tuyển, khi nhập
học thí sinh phải đến trường cũ rút giấy chứng nhận kết quả và nộp cho
trường mới trúng tuyển để kiểm tra.
| ||
Cần cân đối lại điểm ưu tiên?Một vấn đề khác mà nhiều thí sinh “than" là việc cộng điểm. Có những thí sinh được cộng từ 3-4 điểm.Bạn đọc Nguyễn Tiến Quang viết: Ở trường ĐH em nộp đơn đã có 1483 trên tổng số 1817 bạn được cộng điểm. Theo bạn đọc Phương việc cộng điểm cho các đối tượng và khu vực ưu tiên là đúng. Tuy nhiên số điểm ưu tiên quá lớn làm thay đổi bản chất. Sự nhảy vọt như vậy sẽ làm chất lượng đào tạo giảm sút, các em sau khi đỗ sẽ vất vả khi học và thiệt thòi cho các học sinh không được cộng điểm ưu tiên. Bạn Thanh Nguyễn chia sẻ: Vấn đề điểm cộng đã có từ rất lâu, nhưng cho đến kì thi năm nay mình thấy phải cân đối lại. Mọi năm, kì thi được chia ra, một là tốt nghiệp, hai là đại học. Vì vậy đề thi mọi năm cũng khó hơn nhiều, ở từng câu trong đề đại học đều có sự đánh đố và đòi hỏi kiến thức vận dụng cao, nên việc cộng điểm cho các bạn vùng sâu vùng xa là hợp lý. Nhưng do cấu trúc đề thi năm nay là 60% cơ bản, 40% nâng cao, nên mặt bằng chung ai cũng lấy được 6 điểm. Chưa kể ở phần nâng cao cũng không thật sự phân hóa, rất nhiều bạn trong lớp mình chẳng cần học thêm gì cũng làm được 7-8 điểm. Các bạn được cộng đến 3,4 điểm ưu tiên là đã hơn rất nhiều so với một học sinh giỏi mà không được cộng. Theo mình vậy là chưa hợp lý. |
Thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển tại Sở GD-ĐT
Cuối
giờ chiều 11-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường ĐH, CĐ và các sở
GD-ĐT về việc hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển
vào trường ĐH, CĐ.
Bộ
GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT phối hợp với các trường ĐH, CĐ tạo điều kiện
cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Theo
đó, thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển và nộp vào
trường khác trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành)
hoặc có thể tới sở GD-ĐT địa phương hoặc tới các trường THPT do sở GD-ĐT
quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Hồ
sơ gồm: Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo mẫu),
giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc phiếu báo chuyển phát hồ sơ
đăng ký xét tuyển của bưu điện.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Bên
cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức thu nhận hồ sơ thay
đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh đến hết ngày 20-8...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét