Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Hồ sơ ít, ảo nhiều

Ghi nhận cho thấy hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường khá thưa thớt và chỉ tập trung vào một số ngành.
Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Hồ sơ ít, ảo nhiều

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Văn Lang

Các trường đang lo số lượng hồ sơ ảo lớn sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Tính đến hết ngày 28-8, các trường ĐH khu vực phía Nam xét tuyển bổ sung mới chỉ có ngành bảo dưỡng công nghiệp (bậc CĐ) của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) có hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển.
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho biết ngành trên tuyển 30 chỉ tiêu và đã có 50 hồ sơ xét tuyển. Trong số này có nhiều thí sinh điểm trên 20 nên điểm chuẩn sẽ tăng.
Trong khi đó tại hầu hết trường cả công lẫn ngoài công lập, lượng hồ sơ còn khá khiêm tốn. Nhiều trường lo không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt này và phải tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt hai.

Kinh tế áp đảo, 
năng khiếu èo uột

Theo thông tin từ các trường ĐH ngoài công lập, hiện hồ sơ xét tuyển bổ sung vẫn chưa đủ chỉ tiêu, nhưng các ngành khối kinh tế, quản trị lượng hồ sơ đã nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển. Trường ĐH Văn Hiến nhận được 988 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
TS Lê Sĩ Hải - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Hiến - cho hay hồ sơ xét tuyển tập trung vào hai ngày đầu 26 và 27-8. Chỉ tiêu xét bổ sung của trường là 1.000 và lượng hồ sơ đã tương đối so với chỉ tiêu cần tuyển.
Phổ điểm của thí sinh chủ yếu ở mức 15 - 17 điểm và tập trung nhiều vào khối ngành kinh tế, quản trị và dịch vụ. Trong đó hai ngành quản trị kinh doanh và du lịch đã có lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh 2015 cần tuyển.
Ông Hoàng Đức Bình - giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen - cho biết chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung của trường là 820, và đến hết ngày 28-8 đã có khoảng 400 hồ sơ xét tuyển.
Phần lớn ở các ngành hồ sơ xét tuyển chưa nhiều, trong khi đó thí sinh lại tập trung vào hai ngành marketing và quản trị. Hiện tại hồ sơ xét tuyển vào hai ngành này đã nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển, và điểm của thí sinh cũng tương đối cao.
Các ngành còn lại hồ sơ mới chỉ đạt 5 - 60%. Các ngành năng khiếu như thiết kế nội thất, thời trang hồ sơ dưới 5%, ngành thiết kế đồ họa chưa có hồ sơ nào. Tương tự, ông Vũ Văn Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang - cho hay hiện một số ngành như quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, quản trị du lịch lữ hành đã có lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển. Trong khi đó các ngành khối kỹ thuật, năng khiếu hồ sơ khá ít.
Tính đến hết ngày 28-8, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận được 800 hồ sơ đăng ký xét tuyển, còn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là 1.500. Cũng như tại nhiều trường ĐH khác, ông Nguyễn Quốc Anh - trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho hay hồ sơ vào nhóm ngành kinh tế và ngoại ngữ chiếm số lượng nhiều hơn các ngành khác.
Nhìn chung, năm nay lượng hồ sơ vào các ngành năng khiếu như kiến trúc, thiết kế đồ họa, thời trang... khá ít. Không chỉ trường ngoài công lập mà ngay cả khối trường công lập cũng có lượng hồ sơ vào các ngành năng khiếu cực kỳ ít.
TS Nguyễn Văn Xuân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Tây - cho biết trường tuyển 400 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung bậc ĐH, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có hơn 80 hồ sơ nộp vào. Trong số này, gần 60 hồ sơ xét tuyển vào ngành xây dựng, các ngành còn lại kể cả kiến trúc lượng hồ sơ rất ít.
Tương tự, TS Ngô Hồng Điệp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một - cho hay trường tuyển 260 chỉ tiêu cho bốn ngành bậc ĐH nhưng mới chỉ có hơn 100 hồ sơ nộp vào, trong đó hồ sơ vào các ngành tuyển những tổ hợp đặc thù như kiến trúc, quy hoạch vùng đô thị không nhiều.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tuyển bổ sung 115 chỉ tiêu cho hai cơ sở tại Đà Lạt và Cần Thơ nhưng theo ông Ninh Quang Thăng - trưởng phòng đào tạo, đến thời điểm này mới chỉ có vài chục hồ sơ xét tuyển.

Lo ảo, không tuyển đủ chỉ tiêu

Trường ĐH Tiền Giang tuyển 762 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung và đến hết ngày 27-8 nhận được 126 hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Tương tự, Trường ĐH Đồng Tháp tuyển 650 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung, nhưng đến nay cũng chỉ nhận được khoảng 200 hồ sơ. Mặc dù nhận được đến 1.500 hồ sơ, mức tương đối so với chỉ tiêu cần tuyển 2.100, nhưng ông Nguyễn Quốc Anh lo lắng: thí sinh có đến ba giấy chứng nhận để xét tuyển nên tỉ lệ ảo có thể lên đến khoảng 60%.
Nếu may mắn thì Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chỉ tuyển được khoảng 50% số thí sinh nộp hồ sơ vào trường.
“Có lẽ trường sẽ điều chỉnh số lượng dự kiến gọi nhập học (tăng lên so với chỉ tiêu cần tuyển) để thí sinh biết. Nếu để nguyên 2.100 và với lượng hồ sơ như vậy, trường sợ thí sinh không dám nộp hồ sơ vào nữa, trong khi thực tế lượng hồ sơ ảo rất lớn” - ông Anh nói.
Tại Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), từ ngày đầu nhận hồ sơ đến nay mỗi ngày trường nhận được 40 - 50 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Theo ông Cao Văn - hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, trường còn đến hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên nếu những ngày tới vẫn duy trì tốc độ nộp hồ sơ như thế này, dự kiến trường chỉ có 400 - 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Chưa kể với quy định mỗi thí sinh có thể nộp hồ sơ cùng lúc cho ba trường trong đợt xét tuyển này, xác suất nhập học từ thí sinh đã nộp hồ sơ kể cả trúng tuyển cũng là ẩn số khó lường. Tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, những ngày qua lượng hồ sơ xét tuyển cũng rất èo uột. Sáng 28-8, chỉ lác đác vài thí sinh đến nộp hồ sơ.
Trung bình mỗi ngày trường chỉ có 50 - 60 thí sinh đến nộp hồ sơ, trong khi chỉ tiêu xét tuyển đợt hai của trường là trên 4.000.
Theo GS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, với tình hình này trường sẽ phải tiếp tục tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Dự kiến trường cũng chỉ tuyển được 
70 - 80% chỉ tiêu, thấp hơn nhiều so với các năm trước đây.
“Dựa trên tình hình tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT cần có điều chỉnh phù hợp cho mùa tuyển sinh năm sau. Trong đó, Bộ GD-ĐT nên đặt ra những mức điểm sàn khác nhau dành cho trường tốp trên, tốp giữa, tốp dưới để phân luồng thí sinh ngay từ đầu, tránh kéo dài xét tuyển do thí sinh dễ ảo tưởng với mức điểm mình đã đạt” - ông Hóa kiến nghị.
Trong khi đó, một số trường lại hi vọng thí sinh vẫn đang cân nhắc chưa nộp hồ sơ. Tại Trường ĐH Công nghiệp Sao Đỏ (Hải Dương), mỗi ngày cũng chỉ nhận 30 - 40 hồ sơ xét tuyển.
Ông Đoàn Văn Vững - giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường - cho biết số lượng thí sinh nộp hồ sơ không thấm tháp gì so với chỉ tiêu đợt hai là 2.700 cả hệ ĐH, CĐ. Ông Vững cho rằng với đợt hai, dù có thể nộp hồ sơ vào ba trường nhưng thí sinh không được rút hồ sơ nên nhiều khả năng thí sinh còn cân nhắc.
Tương tự, ông Ninh Quang Thăng nhận định: trong đợt một hồ sơ xét tuyển cũng không dồn dập mà đến từ từ. Những ngày đầu xét nguyện vọng bổ sung cũng vậy, có lẽ thí sinh vẫn còn đang cân nhắc.

Nhiều trường chưa công khai hồ sơ 
xét tuyển

Tính đến ngày 28-8 mới chỉ có một số trường ĐH như Tiền Giang, Văn hóa TP.HCM, Hoa Sen, Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành công bố hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh.
Phần lớn các trường ĐH khác đều chưa công bố danh sách này theo quy định. Bộ GD-ĐT quy định: các trường phải cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét