Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Nhiều trường ở TP HCM "căng mình" nhận - trả hồ sơ

Việc thí sinh ồ ạt rút hồ sơ sau khi thấy mình "rơi" khỏi ngưỡng điểm xét tuyển khiến nhiều trường phải huy động lực lượng hùng hậu làm việc đến nửa đêm.

Nhiều trường ở TP HCM 'căng mình' nhận - trả hồ sơ

Phó phòng Đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM bị thí sinh "bao vây" để rút hồ sơ.


Ngày 14/8, cầm tập hồ sơ dày cộm, ông Trần Văn Châu - Phó phòng Đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM - cố lách người qua nhóm thí sinh chen chúc trước cửa phòng. Lập tức, dòng thí sinh ùa theo. Không có loa, ông Châu đọc to tên từng người trong danh sách. Có thí sinh ông phải đọc 2-3 lần mới nghe thấy vì đứng tận vòng ngoài đám đông.
Hết tập hồ sơ, ông Châu lại chen qua đám đông để vào phòng tiếp tục lục tìm. Đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên trán, ông Châu cho hay trường có hơn 8.000 hồ sơ nộp vào nhưng nhiều ngày qua thí sinh ồ ạt tới rút nên cán bộ phòng phải "căng mình" làm việc.
"Hiện có khoảng 1.500 thí sinh tới rút, trong đó nhiều em quên mang giấy tờ nên rất mất thời gian. Dù hồ sơ đã được sắp xếp theo thứ tự nhưng quá đông nên mỗi lần có người rút chúng tôi lại phải lục bằng phương pháp thủ công", ông Châu nói.
Còn tại Đại học Sài Gòn, một tấm bạt lớn được dựng lên tại sân trường, hàng chục bàn ghế được xếp dọc theo hai dãy lớn để phục vụ việc nộp và rút hồ sơ. T.S Mỵ Giang Sơn - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết đã nhận gần 11.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng những ngày gần đây thí sinh và phụ huynh tới rút hồ sơ rất đông, cao điểm mỗi ngày có hơn 500 lượt.
"Ngay những ngày đầu nhận hồ sơ chúng tôi dự đoán được tình trạng này sẽ xảy ra nên đã bố trí, sắp xếp hồ sơ một cách khoa học để dễ dàng tìm kiếm, tránh tình trạng ùn tắc", ông Sơn nói và cho biết dù thí sinh khá đông nhưng mỗi lượt rút hoặc nộp chỉ mất 20-30 phút.
Làm được như vậy, theo ông Sơn, trường đã thành lập 32 người trong Ban thư ký Hội đồng tuyển sinh. Tuy nhiên, những ngày cao điểm có cả nghìn thí sinh, phụ huynh nên nhiều bộ phận trong trường được huy động. Lực lượng bảo vệ cũng tham gia hướng dẫn các em đi từng phòng đóng tiền, làm thủ tục...
"Để nhập dữ liệu, phân loại hồ sơ nhiều người phải làm việc tới khuya", ông Sơn nói và cho hay kỳ tuyển sinh năm 2015 mặc dù trường chỉ đứng ra làm cụm chủ trì thi một lần (những năm trước 2-3 đợt) nhưng vất vả hơn bởi kéo dài nhiều ngày, khối lượng công việc nhiều hơn. Theo thống kê, hiện trường có khoảng 3.000 thí sinh rút hồ sơ.

Nhiều trường ở TP HCM 'căng mình' nhận - trả hồ sơ

Trường Đại học Công nghiệp TP HCM phải huy động lực lượng lớn để phục vụ việc rút và nộp hồ sơ


Tại Đại học Công nghiệp TP HCM, từ sáng sớm đã có hàng trăm người đến nộp và rút hồ sơ. Một nam sinh tình nguyện vừa nhai bánh mì vừa hét to nhắc nhở thí sinh xếp hàng. Sau đó, cậu hướng dẫn điền thông tin, xuất trình những giấy tờ cần thiết để phân loại qua các bàn khác nhằm giảm tải "ùn tắc". "Các bạn tới rút hồ sơ tăng đột biến nên phải trực chiến từ sáng tới tối mịt", nam sinh nói.
Ngoài bàn hướng dẫn còn có hàng chục bộ bàn ghế được trường sắp xếp dọc hành lang. T.S Nguyễn Đức Minh - Trưởng phòng đào tạo - cho biết trường đã nhận được hơn 11.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Để kịp trả hồ sơ, trường đã huy động nhiều lực lượng. Trong đó các ngành và khoa đều phải cử người cập nhật thông tin xét tuyển để tư vấn cho thí sinh, nhằm lọc bớt những hồ sơ dưới mức điểm chuẩn tạm thời, tránh tình trạng thí sinh nộp vào rút ra.
"Toàn bộ nhân sự của phòng tuyển sinh và đào tạo mấy ngày nay phải làm việc cật lực, chạy ngược chạy xuôi", ông Minh nói. Trong đó, 15 người chuyên nhập dữ liệu, 6 cán bộ nhận hồ sơ, một người trực điện thoại, trực online hỗ trợ tư vấn, cán bộ giảng viên các khoa và cả chục sinh viên tình nguyện hướng dẫn.

Tốt nghiệp THPT ở khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó
Thí sinh Nguyễn Duy Ngọc tốt nghiệp THPT từ năm 2014. Trường THPT của thí sinh Ngọc trước đây đóng trên địa bàn khu vực I, từ năm 2015 trường chuyển sang thuộc khu vực II. Vậy, khi xét tuyển đại học năm nay, thí sinh Ngọc được cộng điểm ưu tiên theo khu vực I hay khu vực II?
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy quy định chính sách ưu tiên theo khu vực: Thí sinh học liên tục và đỗ tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.

Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Như vậy, thí sinh Nguyễn Duy Ngọc được hưởng chính sách ưu tiên khu vực tại thời điểm thí sinh học và tốt nghiệp THPT năm 2014.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét